Trường Trung học Phổ thông Võ Chí Công

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

TRƯỜNG THPT VÕ CHÍ CÔNG

Địa chỉ: 93 Cao Hồng Lãnh - Quận Ngũ Hành Sơn - Thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3861555 - (0236) 3861777

HƯỚNG DẪN NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN THCS, THPT - NĂM HỌC 2021 - 2022

HƯỚNG DẪN NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN THCS, THPT - NĂM HỌC 2021 - 2022

 

(Kèm theo Công văn số 2649/SGDĐT-GDTrH ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Sở GDĐT

về việc Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục trung học năm học 2021-2022)

 

Thực hiện nhiệm vụ Giáo dục trung học năm học 2021-2022 tại Công văn số 2649/SGDĐT-GDTrH ngày 09/9/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Sở hướng dẫn các đơn vị triển khai dạy học bộ môn Ngữ văn cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 như sau:

1. Xây dựng kế hoạch giáo dục môn học

a) Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông, các trường THCS, THPT cần chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo khung thời gian 35 tuần (Học kỳ I: 18 tuần, Học kỳ II: 17 tuần), phù hợp với điều kiện của từng trường. Bảo đảm hoàn thành chương trình năm học trong các tình huống diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

* Đối với lớp 6: Căn cứ Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GDĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23/6/2021 của Bộ GDĐT và Công văn số 2179/SGDĐT-GDTrH ngày 20/7/2021 của Sở GDĐT về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022, Công văn số 2431/SGDĐT-GDTrH ngày 13/8/2021 của Sở GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện phân phối chương trình chi tiết lớp 6 các môn học, Công văn số 2478/SGDĐT-GDTrH và Công văn số 2483/SGDĐT-GDTrH ngày 23/8/2021 về tổ chức hoạt động chuyên môn

- Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục giao quyền tổ/nhóm chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ/nhóm chuyên môn, bao gồm Kế hoạch dạy học (Phụ lục 1) và Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục (Phụ lục 2). Căn cứ vào Kế hoạch giáo dục của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học lớp 6 xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên (Phụ lục 3). Các phụ lục này được sử dụng để tham khảo nên tổ/nhóm/giáo viên cần chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch phù hợp đặc điểm, tình hình đơn vị và đối tượng dạy học.

- Đối với việc tổ chức các hoạt động giáo dục, tổ chuyên môn được giao chủ trì hoạt động nào thì xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức hoạt động đó (Phụ lục 2), bao gồm các thành phần cơ bản sau: mục đích, yêu cầu; nội dung, hình thức và chương trình tổ chức hoạt động; tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động đối với các đối tượng tham gia; thời gian và địa điểm tổ chức; nguồn lực được huy động để tổ chức thực hiện. Khuyến khích, động viên tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục bộ môn (sinh hoạt câu lạc bộ, tham quan, lớp học ngoài trời,…) nhằm đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, tăng hứng thú của học sinh đối với bộ môn, nâng cao chất lượng bộ môn.

* Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12: căn cứ Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 của Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT và Công văn số 2745/SGDĐT-GDTrH ngày 12/10/2020 của Sở GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện phân phối chương trình chi tiết các môn học (lớp 7-12); riêng cấp THPT cần bám sát đặc tả đề kiểm tra và ma trận đã được tập huấn theo Kế hoạch số 240/KH-SGDĐT ngày 21/01/2021 về việc tập huấn hướng dẫn xây dựng đề kiểm tra, đánh giá định kì theo ma trận và đặc tả đề kiểm tra theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cấp trung học phổ thông, tổ/nhóm chuyên môn chủ động thực hiện việc sắp xếp lại thứ tự các bài, các nội dung trong từng bài; phân bố lại thời lượng tổ chức dạy học các bài một cách hợp lí; xây dựng các chủ đề theo hướng dẫn. Việc biên soạn lại kế hoạch giáo dục phải đảm bảo tính logic của mạch kiến thức, đảm bảo tổng thời lượng của môn học trong mỗi học kì, không cắt xén nội dung chương trình, thực hiện đủ các bài kiểm tra.

b) Kế hoạch giáo dục của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên phải được lãnh đạo nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ để thanh tra, kiểm tra. 

2. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh

a) Xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học; mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học, chú trọng đến các nội dung cốt lõi để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trực tiếp hoặc phối hợp giữa dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến, đảm bảo linh hoạt, phù hợp và hiệu quả. Chú trọng việc hướng dẫn học sinh tự học, rèn luyện cho học sinh tự học ở nhà, học trực tuyến; ưu tiên dạy học trực tuyến theo thời gian thực, chủ yếu tổ chức cho học sinh thuyết trình, thảo luận, báo cáo sản phẩm, kết quả học tập; dành nhiều thời gian học trực tiếp trên lớp cho việc luyện tập, thực hành, thí nghiệm.

* Đối với lớp 6, tổ/nhóm/giáo viên cần:

- Xác định được mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lựa chọn phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp và hiệu quả (nghiên cứu mục VI trang 79-85 Tài liệu Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT);

- Phân biệt phương pháp và kĩ thuật dạy học dành cho các hoạt động đọc, viết, nói và nghe (nghiên cứu Tài liệu modun 2 “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh THPT môn Ngữ văn”, lưu ý mục 2.1.3 trang 40-48);

- Đối với hoạt động đọc, cần có cách dạy đọc hiểu phù hợp đối với từng loại văn bản (văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin); tổ chức tiến trình dạy học phù hợp với các văn bản được sắp xếp trong từng bài học (văn bản 1, văn bản 2, văn bản đọc kết nối chủ điểm, văn bản đọc mở rộng);

- Đối với hoạt động viết, giáo viên chú trọng yêu cầu tạo ra ý tưởng và biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo và sức thuyết phục. Dành nhiều thời gian hơn cho việc hướng dẫn các bước tạo lập văn bản, thực hành viết theo các bước và đặc điểm của kiểu văn bản (lưu ý phương pháp phân tích văn bản mẫu).

* Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12: căn cứ yêu cầu về kiến  thức, nội dung sách giáo khoa, tài liệu chuẩn kiến thức, kĩ năng, trên cơ sở các điều kiện thiết bị dạy học hiện có, giáo viên thiết kế bài giảng khoa học, sắp xếp hợp lí hoạt động của giáo viên và học sinh; xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lí, phù hợp với các đối tượng học sinh, tập trung vào yêu cầu cần đạt, sử dụng linh hoạt các ph­ương pháp dạy học bộ môn, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của học sinh đáp ứng được yêu cầu của mục tiêu môn học và yêu cầu của các bài kiểm tra và các kì thi trong chương trình.

b) Khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi và nội dung học tập của học sinh trung học; tăng cường giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy hứng thú học tập của học sinh, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hoá thế giới. Tiếp tục thực hiện tốt việc sử dụng di sản trong dạy học một số môn học, hoạt động giáo dục phù hợp.

c) Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, sử dụng các phương tiện nghe nhìn, liên hệ thực tế trong giảng dạy phù hợp với nội dung bài học, sử dụng các phần mềm dạy học có nội dung thích hợp, tham gia tích cực phong trào soạn bài, soạn câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra, sưu tầm tài liệu tham khảo để đưa lên “Nguồn học liệu mở” trên Website của Bộ và của Sở GDĐT. Tăng cường sử dụng trang thiết bị dạy học, tự làm đồ dùng học tập, nâng cao năng lực tự học của học sinh.

3. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh

a) Tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá (KTĐG) kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; đảm bảo đánh giá khách quan, công minh trình độ học sinh và hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá năng lực bản thân.

* Đối với lớp 6, tổ/nhóm/giáo viên cần:

- Xác định được mục tiêu của Chương trình giáo dục môn Ngữ văn là đánh giá phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù và sự tiến bộ của học sinh thông qua các hoạt động đọc, viết, nói và nghe (nghiên cứu mục VII trang 85-87 Tài liệu Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT);

- Chủ động xây dựng kế hoạch, dự kiến hình thức, phương pháp và công cụ kiểm tra đánh giá đối với từng giai đoạn (KTĐG định kì); từng bài học, từng hoạt động học (KTĐG thường xuyên) để kịp thời đánh giá sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục (nghiên cứu mục 2 trang 32-33 Tài liệu Chương trình tổng thể ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; Nội dung 2 và Nội dung 3 của Tài liệu Modun 3 “Kiểm tra, đánh giá học sinh THCS theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực môn Ngữ văn”);

- Sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác năng lực đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học;

- Thực hiện KTĐG theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc Quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (có hiệu lực từ 05/9/2021). Trong đó, lưu ý các điểm sau:

+ Điểm đánh giá là số nguyên hoặc số thập phân được lấy đến chữ số thập phân thứ nhất sau khi làm tròn số;

+ Đánh giá thường xuyên (ĐGTX): số đầu điểm là 04/học kì. ĐGTX được thực hiện liên tục trong suốt quá trình dạy học, do giáo viên môn học tổ chức; hình thức đánh giá gồm: giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá lẫn nhau, học sinh tự đánh giá. Để ĐGTX, giáo viên có thể dựa trên quan sát và ghi chép hằng ngày về học sinh, việc học sinh trả lời câu hỏi hoặc thuyết trình làm bài kiểm tra, viết phân tích và phản hồi văn học, viết thu hoạch, làm dự án sưu tầm tư liệu, làm bài tập nghiên cứu,...

+ Đánh giá định kì (ĐGĐK): gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Cụ thể:

Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính): từ 60 - 90 phút;

Số điểm đánh giá giữa kì: 01 điểm/học kì; số điểm đánh giá cuối kì: 01 điểm/học kì;

Đề kiểm tra có thể yêu cầu hình thức viết tự luận (một hoặc nhiều câu); có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan và hình thức tự luận để đánh giá đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo từng kiểu văn bản đã học trong chương trình. Có thể sử dụng hình thức kiểm tra vấn đáp (để đánh giá nói và nghe) nếu thấy cần thiết và có điều kiện.

* Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp12: thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011, bổ sung, sửa đổi một số điều tại Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020.

- Thực hiện đánh giá thường xuyên trực tiếp hoặc trực tuyến bằng các hình thức: hỏi - đáp, viết; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

-  Thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

b) Đối với bài kiểm tra định kì (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra phải được xây dựng theo ma trận, đặc tả của đề kiểm tra đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

c) Đối với kiểm tra, đánh giá bằng bài thực hành, hoặc dự án học tập: yêu cầu cần đạt của bài thực hành hoặc dự án học tập phải được hướng dẫn cụ thể bằng bảng kiểm các mức độ đạt được phù hợp với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao của các kiến thức, kĩ năng được sử dụng. Căn cứ vào mức độ cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục, mức độ phát triển năng lực của học sinh, nhà trường xác định tỉ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra, đánh giá đảm bảo sự phù hợp với đối tượng học sinh và tăng dần tỉ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao; có hướng dẫn cụ thể trước khi tổ chức thực hiện.

d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến theo quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về quản lí và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên; bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh.

4. Thiết kế kế hoạch bài dạy

Giáo viên cần tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới cách biên soạn kế hoạch bài dạy, đầu tư soạn giảng theo hướng tích cực hóa việc học tập của học sinh, soạn và hướng dẫn các hoạt động, các bài tập trên lớp và ở nhà để phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh. Khuyến khích giáo viên soạn kế hoạch bài dạy và giảng dạy trên lớp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

a) Đối với lớp 6: căn cứ vào yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe của từng bài học, giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy đảm bảo yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực đặc thù của môn Ngữ văn. Giáo viên tham khảo Phụ lục IV Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, Khung kế hoạch bài dạy và Kế hoạch bài dạy “Lắng nghe lịch sử nước mình” do Sở GDĐT cung cấp để chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong quá trình soạn giảng, đảm bảo hiệu quả dạy học.

b) Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12: căn cứ tài liệu chuẩn kĩ năng kiến thức và nội dung điều chỉnh giảm tải do Bộ GDĐT ban hành, giáo viên cần linh hoạt, mạnh dạn thiết kế lại các hoạt động để phù hợp với tình hình đơn vị, đối tượng học sinh. Giáo  án cần thể hiện rõ nội dung thay đổi, điều chỉnh theo hướng giảm tải.

c) Riêng lớp 9, khuyến khích giáo viên soạn kế hoạch bài dạy các chủ đề theo tiến trình dạy học tại Phụ lục IV Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, Khung kế hoạch bài dạy do Sở GDĐT cung cấp để giúp học sinh dễ dàng tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi bước vào lớp 10 năm học 2022-2023. Các nội dung đã được tập huấn chuẩn bị cho học sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ được đưa vào dạy học tích hợp sau khi Bộ GDĐT có hướng dẫn cụ thể.

5. Hồ sơ sổ sách

a) Tổ chuyên môn nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT ngày 18/01/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; nghiên cứu Điều 21 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; triển khai sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo hướng dẫn của Sở GDĐT. Đối với lớp 6, nghiên cứu mẫu Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (của giáo viên) đính kèm tại Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.

b) Đối với kế hoạch bài dạy (giáo án), từ năm học 2021-2022, giáo viên có thể lưu giáo án bằng hình thức bản giấy/file mềm. Nếu lưu bằng file mềm thì cần cung cấp đường dẫn đầy đủ khi có yêu cầu kiểm tra. Bài giảng điện tử không được xem là một giáo án và không thay thế giáo án bản in/file mềm khi được kiểm tra. Giáo án cần thể hiện đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức theo quy định. Một tuần trước khi tổ chức dạy học, giáo viên phải soạn đủ số tiết/tuần theo quy định của bộ môn; theo đó, khuyến khích giáo viên soạn hoàn chỉnh một bài học/chủ đề/chương (gồm nhiều tiết) trước khi tổ chức dạy học để bài soạn mạch lạc, logic, đảm bảo chất lượng dạy học.

6. Tập huấn bồi dưỡng chuyên môn

a) Tổ chuyên môn cử giáo viên tham gia nghiêm túc, thực hiện đúng quy định, yêu cầu của các lớp tập huấn, bồi dưỡng các mô đun theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lưu ý đối với những trường hợp giáo viên có thái độ qua loa, đối phó khi thực hiện các yêu cầu của lớp tập huấn; sao chép bài của người khác, của môn khác, của cấp khác,… để nộp lên hệ thống).

b) Đối với những giáo viên kiêm nhiệm 2 môn, tổ chuyên môn cần đề xuất thủ trưởng đơn vị để được cung cấp tài khoản, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia đầy đủ và có chất lượng các lớp tập huấn.

7. Sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn

a) Nội dung sinh hoạt chuyên môn

Các tổ chuyên môn bám sát hướng dẫn tại Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014 để tổ chức thực hiện sinh hoạt chuyên môn có hiệu quả. Theo đó, các tổ chuyên môn thực hiện sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; định kì sinh hoạt chuyên môn để xây dựng bài học minh hoạ, tổ chức dạy học và dự giờ để phân tích, rút kinh nghiệm giờ dạy dựa trên phân tích hoạt động học của học sinh.

Đối với lớp 6, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế đơn vị; sinh hoạt chuyên môn với nội dung trao đổi, thống nhất về yêu cầu cần đạt, tiến trình dạy học, phương pháp và kĩ thuật dạy học, phương pháp và công cụ kiểm tra đánh giá,… đối với từng bài học. Có thể phân công giáo viên thiết kế từng hoạt động của một bài học/chủ đề/chương, tổ chức góp ý, điều chỉnh, biên soạn lại thành kế hoạch bài dạy dùng chung cho nhóm 6.

Ngoài ra, tập trung trao đổi các chuyên đề về chuyên môn như thiết kế kế hoạch bài dạy theo định hướng phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá; chia sẻ kinh nghiệm đa dạng hóa các hoạt động giáo dục (sinh hoạt câu lạc bộ văn học, tổ chức hoạt động trải nghiệm,...); kinh nghiệm tham gia các cuộc thi (Khoa học kỹ thuật, Thiết Kế bài giảng điện tử E-learning);

b) Hình thức sinh hoạt chuyên môn

* Thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo từng cụm trường

- Đối với cấp THCS: Các phòng GDĐT phân công, theo dõi chỉ đạo việc sinh hoạt chuyên môn của các trường THCS trực thuộc.

- Đối với cấp THPT: Chia thành 02 cụm trường (sẽ luân phiên thay đổi hằng năm)

+ Cụm 1 gồm 17 trường: Trần Phú, Nguyễn Hiền, Ngô Quyền, Ông Ích Khiêm, Phan Thành Tài, Hòa Vang, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Trãi, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Nguyễn Khuyến, Hiển Nhân, Quang Trung, Sky-Line, FPT, St. Nicholas, Anh Quốc Đà Nẵng (Cụm trưởng: Trần Phú; Cụm phó: Nguyễn Hiền; Ủy viên: Các trường còn lại).

+ Cụm 2 gồm 17 trường: Thái Phiên, Nguyễn Thượng Hiền, Phạm Phú Thứ, Lê Quý Đôn, Thanh Khê, Hoàng Hoa Thám, Sơn Trà, Phan Châu Trinh, Võ Chí Công, Liên Chiểu, Nguyễn Văn Thoại, Hermann Gmeiner, Quốc tế Hoa Kỳ, Khai Trí, Liên cấp quốc tế Singapore, Việt - Nhật, Olympia (Cụm trưởng: Thái Phiên; Cụm phó: Nguyễn Thượng Hiền; Ủy viên: Các trường còn lại).

Thời gian, địa điểm: Học kỳ I tổ chức tại trường của cụm trưởng

                                Học kỳ II tổ chức tại trường của cụm phó

Thành phần: đảm bảo 100% giáo viên của tổ chuyên môn các trường trong cụm tham dự đầy đủ (Tổ trưởng chuyên môn các trường báo cáo bằng văn bản danh sách các giáo viên vắng (nêu rõ lí do) trong buổi sinh hoạt chuyên môn cho chuyên viên phụ trách bộ môn trước khi buổi sinh hoạt được tổ chức).

Tổ chức thực hiện: Cụm trưởng và cụm phó chủ động phối hợp với các trường thành viên xây dựng kế hoạch; phân công các trường thành viên tham gia điều hành, chuẩn bị nội dung, chương trình của buổi sinh hoạt, chuẩn bị cơ sở vật chất… Sau khi thống nhất, cụm trưởng/cụm phó thông báo kế hoạch cụ thể bằng văn bản cho chuyên viên phụ trách bộ môn của Sở GDĐT (Cô Lê Nguyễn Sơn Trà, E-mail: tralns@danang.gov.vn) để Sở GDĐT sẽ có công văn gửi các trường trong cụm mời tham dự buổi sinh hoạt.

* Thực hiện sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn tại trường

- Tổ trưởng, nhóm trưởng tổ chức dự giờ, thăm lớp; tạo điều kiện cho các giáo viên tập sự, trẻ được dự giờ các giáo viên có kinh nghiệm để học hỏi, nâng cao tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ. Việc dự giờ, thăm lớp của giáo viên được thực hiện theo kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn và không đánh giá bài dạy trong sinh hoạt chuyên môn thường xuyên. Việc ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn là cần thiết, nhằm giúp giáo viên rút kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong các trường hợp cần thiết (hội thi, hồ sơ tập sự, …), việc đánh giá bài dạy được thực hiện theo các tiêu chí đánh giá Kế hoạch bài dạy và hoạt động dạy học đã được thực hiện (theo mẫu Phiếu đánh giá bài dạy tại Phụ lục V Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH).

- Kiểm tra, xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn như dạy học không có giáo án; chấm, trả bài, vào điểm không đúng quy định; lưu đề kiểm tra không đúng với đề kiểm tra trên lớp của học sinh.

8. Một số hoạt động chuyên môn khác  

a) Kiểm tra, đánh giá định kì (giữa kì và cuối kì)

* Hướng dẫn chung:

- Sở GDĐT tiếp tục ra đề kiểm tra cuối kì I, II môn Ngữ văn lớp 9 và 12  toàn thành phố theo hình thức tự luận.

- Đối với lớp 6, phòng GDĐT các quận, huyện chỉ đạo thực hiện đảm bảo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Đối với lớp 7, 8, phòng GDĐT các quận, huyện chỉ đạo thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Có thể định hướng các tổ chuyên môn xây dựng ma trận bài kiểm tra, đánh giá định kì theo cấu trúc đề thi môn Ngữ văn Kì thi Tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020-2021 và 2021-2022 để giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi này.

- Đối với lớp 10, 11, các trường THPT chỉ đạo tổ chức kiểm tra theo đề chung của trường. Các tổ chuyên môn xây dựng ma trận bài kiểm tra, đánh giá định kì cần bám sát đặc tả đề kiểm tả và ma trận đã được tập huấn theo Kế hoạch số 240/KH-SGDĐT ngày 21/01/2021; tham khảo cấu trúc đề thi môn Ngữ văn Kì thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 và đợt 2 để giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi này.

* Hướng dẫn cụ thể:

- Lớp 9:

+ Đối với bài kiểm tra đánh giá định kì học kì I, xây dựng ma trận theo cấu trúc gồm 3 câu: Đọc hiểu (2,0 điểm), Nghị luận văn học (3,0 điểm), Văn tự sự (5,0 điểm).

+ Đối với bài kiểm tra đánh giá định kì học kì II, xây dựng ma trận theo cấu trúc gồm 3 câu: Đọc hiểu (2,0 điểm), Nghị luận xã hội (3,0 điểm), Nghị luận văn học (5,0 điểm).

- Lớp 12: bám sát đặc tả đề kiểm tả và ma trận đã được tập huấn theo Kế hoạch số 240/KH-SGDĐT ngày 21/01/2021. Theo đó, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên được phân công giảng dạy lớp 12 xây dựng kế hoạch định hướng ôn tập, rèn luyện kĩ năng đọc hiểu, làm văn cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá bộ môn.

b) Thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Ngữ văn

- Lớp 9: nội dung thi là chương trình Ngữ văn cấp THCS, chủ yếu ở lớp 9 (giới hạn chương trình đến thời điểm tổ chức thi). Đề thi gồm 2 câu, câu nghị luận xã hội 3,0 điểm  (hoặc 4,0 điểm) và câu nghị luận văn học 7,0 điểm (hoặc 6,0 điểm).

- Lớp 12: nội dung thi là chương trình Ngữ văn cấp THPT, chủ yếu ở lớp 12 (giới hạn chương trình đến thời điểm tổ chức thi). Đề thi gồm 2 câu, câu nghị luận xã hội 3,0 điểm (hoặc 4,0 điểm) và câu nghị luận văn học 7,0 điểm (hoặc 6,0 điểm).

  1. Đề thi tuyển sinh 10 THPT, lớp 10 chuyên Lê Quý Đôn: cấu trúc như đề thi tuyển sinh năm 2021 (Nếu có điều chỉnh sẽ thông báo trong Quy định tuyển sinh).

d) Các kì thi học sinh giỏi năng khiếu và các nội dung hoạt động khác, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết riêng.

-----------------------

 

Thông báo

Các khoản thu và chế độ, chính sách đối với học sinh năm học 2024-2025

Thời gian tựu trường và khai giảng năm học 2024-2025

Về việc niêm yết công khai đối với cơ sở giáo dục và đạo tạo theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT

Thông báo danh sách lớp 10, năm học 2024-2025

Thông báo kết quả phúc khảo bài thi, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 - THPT năm học 2024-2025

Phiếu đăng kí nhập học lớp 10, năm học 2024-2025

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 10, năm học 2024-2025

Danh mục sách giáo khoa lớp 12 được sử dụng trong trường THPT Võ Chí Công từ năm học 2024 - 2025

Thông báo V/v đề nghị báo giá dự toán mua sắm Tivi

Chọn sách giáo khoa lớp 12 năm học 2024 - 2025

Thông báo V/v đề nghị báo giá dự toán cung cấp, lắp đặt thiết bị camera và wifi nội bộ.

Thông báo V/v gửi báo giá dự toán cung cấp trang phục giáo viên GDQP-AN năm học 2023-2024.

Thông báo V/v gửi báo giá dự toán cung cấp trang phục giáo viên thể dục thể thao năm học 2023-2024.

Thông báo V/v gửi báo giá dự toán cung cấp, lắp đặt thiết bị camera

Áp phích truyền thông về công tác xã hội và tư vấn tâm lí trường học

Tin tức

post-thumbnail

TRƯỜNG THPT VÕ CHÍ CÔNG LONG TRỌNG TỔ CHỨC LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2024 - 2025

post-thumbnail

LỄ BẾ GIẢNG NĂM HỌC 2023-2024

post-thumbnail

Lễ "Tri ân, trưởng thành khi tôi 18" của học sinh Trường THPT Võ Chí Công - Đà Nẵng

post-thumbnail

LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN MỚI, CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890-19/5/2024)!

post-thumbnail

Ngoại khóa tổ Vật lí - Công nghệ năm 2024

Bài viết liên quan