Địa chỉ: 93 Cao Hồng Lãnh - Quận Ngũ Hành Sơn - Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: (0236) 3861555 - (0236) 3861777
HƯỚNG DẪN NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
MÔN HÓA HỌC THCS, THPT - NĂM HỌC 2021-2022
(Kèm theo Công văn số 2649/SGDĐT-GDTrH ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Sở GDĐT về việc Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục trung học năm học 2021-2022)
Thực hiện nhiệm vụ Giáo dục trung học năm học 2021-2022 tại Công văn số 2649/SGDĐT-GDTrH ngày 09/9/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở hướng dẫn các đơn vị triển khai dạy học bộ môn Hóa học cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 như sau:
1. Xây dựng kế hoạch giáo dục môn học
- Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông, chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Hóa học từng cấp học của Bộ GDĐT; các trường THCS, THPT cần chủ động, linh hoạt hơn trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh theo khung thời gian 35 tuần (học kỳ I: 18 tuần, học kỳ II: 17 tuần), phù hợp với điều kiện của từng trường. Đảm bảo thời gian kết thúc học kì I, kết thúc năm học thống nhất trong thành phố.
- Các tổ, nhóm chuyên môn và từng giáo viên chủ động biên soạn lại phân phối chương trình (kế hoạch dạy học). Thực hiện việc sắp xếp lại thứ tự các bài, các nội dung trong từng bài; phân bố lại thời lượng tổ chức dạy học các bài, các chương một cách hợp lí; xây dựng các chủ đề theo hướng dẫn. Việc biên soạn lại PPCT phải đảm bảo tính logic của mạch kiến thức, đảm bảo tổng thời lượng của môn học trong mỗi học kì, không cắt xén nội dung chương trình, thực hiện đủ các bài kiểm tra, đánh giá.
- Kế hoạch dạy học (PPCT) của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên phải được lãnh đạo nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ để thanh tra, kiểm tra.
+ Đối với lớp 6: căn cứ Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GDĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23/6/2021 của Bộ GDĐT và Công văn số 2179/BGDĐT-GDTrH ngày 20/7/2021 của Sở GDĐT về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022, Công văn số 2431/SGDĐT-GDTrH ngày 13/8/2021 của Sở GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện phân phối chương trình chi tiết lớp 6 các môn học, thủ trưởng các đơn vị tiếp tục giao quyền tổ/nhóm chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ/nhóm chuyên môn, bao gồm Kế hoạch dạy học (Phụ lục 1) và Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục (Phụ lục 2). Căn cứ vào Kế hoạch giáo dục của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học lớp 6 xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên (Phụ lục 3). Các phụ lục này được sử dụng để tham khảo nên tổ/nhóm/giáo viên cần chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch phù hợp đặc điểm, tình hình đơn vị và đối tượng dạy học.
+ Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12: căn cứ Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 của Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT và Công văn số 2745/SGDĐT-GDTrH ngày 12/10/2020 của Sở GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện phân phối chương trình chi tiết các môn học (lớp 7-12); riêng cấp THPT cần bám sát đặc tả đề kiểm tả và ma trận đã được tập huấn theo Kế hoạch số 240/KH-SGDĐT ngày 21/01/2021 về việc tập huấn hướng dẫn xây dựng đề kiểm tra, đánh giá định kì theo ma trận và đặc tả đề kiểm tra theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cấp trung học phổ thông, tổ/nhóm chuyên môn chủ động thực hiện việc sắp xếp lại thứ tự các bài, các nội dung trong từng bài; phân bố lại thời lượng tổ chức dạy học các bài một cách hợp lí; xây dựng các chủ đề theo hướng dẫn. Việc biên soạn lại kế hoạch giáo dục phải đảm bảo tính logic của mạch kiến thức, đảm bảo tổng thời lượng của môn học trong mỗi học kì, không cắt xén nội dung chương trình, thực hiện đủ các bài kiểm tra.
- Thực hành: tổ chức thực hiện đầy đủ các tiết thực hành qui định trong chương trình. Kiểm tra thực hành lấy một cột điểm hệ số 1, cách tính điểm do tổ chuyên môn thống nhất (có thể chấm 1 phiếu thực hành hoặc lấy trung bình cộng điểm các phiếu chấm thực hành trong học kì…).
+ Tổ bộ môn cần xem lại các TBDH tối thiểu của Bộ GDĐT ban hành để có kế hoạch chi tiết cho các lớp, nếu thiếu thì thay bằng thiết bị khác hoặc sử dụng hệ thống máy tính, máy chiếu.
+ Trong nội dung bài thực hành đầu tiên của lớp 8 và 10, giáo viên nên nhắc nhở phần nội qui của Phòng học bộ môn Hóa học.
- Đảm bảo 100% GV lên lớp có kế hoạch bài dạy (giáo án) mới hoặc bổ sung theo hướng đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
- Đối với kế hoạch bài dạy (giáo án), từ năm học 2021-2022, giáo viên có thể lưu giáo án bằng hình thức bản giấy/file mềm. Nếu lưu bằng file mềm thì cần cung cấp đường dẫn đầy đủ khi có yêu cầu kiểm tra. Bài giảng điện tử không được xem là một giáo án và không thay thế giáo án bản in/file mềm khi được kiểm tra. Giáo án cần thể hiện đầy đủ các yêu cầu về nội dung và hình thức theo quy định. Một tuần trước khi tổ chức dạy học, giáo viên phải soạn đủ số tiết/tuần theo quy định của bộ môn; theo đó, khuyến khích giáo viên soạn hoàn chỉnh một bài học/chủ đề/chương (gồm nhiều tiết) trước khi tổ chức dạy học để bài soạn mạch lạc, logic, đảm bảo chất lượng dạy học.
+ Đối với lớp 6: các trường tham khảo và thực hiện một cách linh hoạt các mẫu phụ lục đính kèm Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học và kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy của giáo viên,… Đối với việc tổ chức các hoạt động giáo dục, tổ chuyên môn nào được giao chủ trì hoạt động nào thì xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức hoạt động đó, bao gồm các thành phần cơ bản sau: mục đích, yêu cầu; nội dung, hình thức và chương trình tổ chức hoạt động; tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động đối với các đối tượng tham gia; thời gian và địa điểm tổ chức; nguồn lực được huy động để tổ chức thực hiện. Khuyến khích, động viên tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục bộ môn (sinh hoạt câu lạc bộ, tham quan, lớp học ngoài trời,…) nhằm đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, tăng hứng thú của học sinh đối với bộ môn, nâng cao chất lượng bộ môn.
+ Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên (hoàn thiện kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước). Riêng lớp 9, khuyến khích giáo viên soạn kế hoạch bài dạy các chủ đề theo tiến trình dạy học tại Phụ lục IV Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH để giúp học sinh dễ dàng tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi bước vào lớp 10 năm học 2022-2023.
- Các tổ bộ môn nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT ngày 18/01/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; nghiên cứu Điều 21 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; triển khai sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo hướng dẫn của Sở GDĐT.
2. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh
- Xây dựng kế hoạch bài dạy các bài học bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, cách thức thực hiện và sản phẩm cụ thể để giao cho học sinh thực hiện trong lớp học, ngoài lớp học, ở trường, ở nhà, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại di sản văn hóa và cộng đồng. Tăng cường giao cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; dành nhiều thời gian trên lớp để tổ chức cho học sinh báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả tự học của mình.
- Đẩy mạnh triển khai giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kĩ thuật - toán (Science - Technology - Engineering - Mathematic: STEM) trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở những môn học liên quan theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, Sở GDĐT, bảo đảm chất lượng, hiệu quả khi triển khai thực hiện, không gây gây hình thức, quá tải đối với giáo viên và học sinh.
- Triển khai có hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học và Cuộc thi khoa học kĩ thuật năm học 2021-2022 theo hướng dẫn.
- Tăng cường sử dụng phòng học bộ môn Hóa học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học, tổ chức các hoạt động như: thí nghiệm - thực hành cho học sinh, tự làm và sử dụng thiết bị dạy học cho giáo viên,… nhằm khuyến khích giáo viên và học sinh tăng cường sử dụng hợp lí, khai thác tối đa tác dụng của các thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn, phòng học bộ môn; chủ động tự làm thiết bị dạy học.
3. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh
a) Thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT theo quy định của Bộ GDĐT tại Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011, bổ sung, sửa đổi một số điều tại Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020. Riêng đối với lớp 6 căn cứ Thông tư 22/2021/BGDĐT ban hành ngày 20/7/2021, có hiệu lực từ ngày 15/9/2021 để thực hiện.
- Tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
- Cần tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá học sinh; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.
b) Thực hiện đánh giá thường xuyên trực tiếp hoặc trực tuyến bằng các hình thức: hỏi - đáp, viết; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
c) Việc kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
- Đối với bài kiểm tra, đánh giá bằng điểm số thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính: cần bám sát đặc tả đề kiểm tra và ma trận đã được tập huấn theo Kế hoạch số 240/KH-SGDĐT ngày 21/01/2021 về việc tập huấn hướng dẫn xây dựng đề kiểm tra, đánh giá định kì theo ma trận và đặc tả đề kiểm tra theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
- Đối với kiểm tra, đánh giá bằng bài thực hành, hoặc dự án học tập: yêu cầu cần đạt của bài thực hành hoặc dự án học tập phải được hướng dẫn cụ thể bằng bảng kiểm các mức độ đạt được phù hợp với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao của các kiến thức, kĩ năng được sử dụng.
d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá; chuẩn bị tốt các điều kiện để từng bước triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi trực tuyến, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
4. Sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn
a) Thực hiện sinh hoạt tổ chuyên môn theo từng cụm trường
- Đối với cấp THCS: Các phòng GDĐT phân công, theo dõi chỉ đạo việc sinh hoạt chuyên môn của các trường THCS trực thuộc. Nội dung sinh hoạt cụm trường THCS chủ yếu tập trung trao đổi các chuyên đề về chuyên môn; đổi mới PPDH, KTĐG; chuẩn hóa câu hỏi trắc nghiệm; xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề dạy học, chủ đề tích hợp liên môn gắn với các môn học khác. Phòng GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục.
- Đối với cấp THPT: Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường.
CỤM 1 |
CỤM 2 |
1. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Trưởng cụm); 2. Trường THPT Hoàng Hoa Thám; (Phó cụm); 3. Trường THPT Ngũ Hành Sơn; 4. Trường THPT Võ Chí Công; 5. Trường THPT Nguyễn Hiền; 6. Trường THPT Cẩm Lệ; 7. Trường THPT Hòa Vang; 8. Trường THPT Ông Ích Khiêm; 9. Trường THPT Phan Thành Tài; 10. Trường THPT Nguyễn Văn Thoại; 11. Trường THCS&THPT Nguyễn Khuyến; 12. Trường Phổ thông Hermann; 13. Trường THPT Quang Trung; 14. Trường THPT FPT. 15. Trường TH, THCS&THPT Việt-Nhật; 16. Trường Quốc tế Hoa Kỳ APU 17. Trung tâm GDTX số 01 |
1. Trường THPT Phan Châu Trinh (Trưởng cụm); 2. THPT Trần Phú (Phó cụm); 3. Trường THPT Thái Phiên; 4. Trường THPT Nguyễn Trãi; 5. Trường THPT Phạm Phú Thứ; 6. Trường THPT Thanh Khê; 7. Trường THPT Liên Chiểu; 8. Trường THPT Tôn Thất Tùng; 9. Trường THPT Ngô Quyền; 10. Trường THPT Sơn Trà; 11. Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền; 12. Trường THPT Sky line; 13. THPT Khai Trí; 14. Trường THCS&THPT Hiển Nhân; 15. Trường TH, THCS&THPT Anh Quốc; 16. Trường TH, THCS&THPT St.Nicholas 17. Trung tâm GDTX số 02 18. Trung tâm GDTX số 03 |
- Nội dung sinh hoạt: Sinh hoạt chủ yếu tập trung trao đổi các chuyên đề về chuyên môn; đổi mới PPDH xây dựng kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (Tham khảo Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH), đổi mới kiểm tra đánh giá; chuẩn hóa câu hỏi trắc nghiệm; thực hiện các chủ đề giáo dục STEM... Sau các buổi SHCM, giáo viên nghiên cứu vận dụng, đúc kết, rút kinh nghiệm những vấn đề liên quan để áp dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của nhà trường.
+ Phân công sinh hoạt chuyên môn năm học 2021-2022
|
Học kì I năm học 2021-2022 |
Học kì II năm học 2021-2022 |
Cụm 1 |
Hoàng Hoa Thám |
Ngũ Hành Sơn |
Cụm 2 |
Thanh Khê |
Thái Phiên |
+ Thành phần: đảm bảo 100% giáo viên của tổ chuyên môn các trường trong cụm (không có giờ dạy) tham dự đầy đủ. Sau khi các trường có giấy mời dự sinh hoạt cụm gửi danh sách giáo viên tham dự buổi sinh hoạt cụm cho trường tổ chức.
- Tổ chức thực hiện:
+ Trường tổ chức sinh hoạt cụm chủ động phối hợp với cụm trưởng, cụm phó và các trường thành viên lựa chọn chủ đề, nội dung phù hợp, xây dựng kế hoạch chương trình của buổi sinh hoạt.
+ Sau khi thống nhất, trường tổ chức sinh hoạt cụm thông báo kế hoạch cụ thể bằng văn bản đã được nhà trường phê duyệt cho chuyên viên phụ trách bộ môn của Sở GDĐT (Ông Phan Thanh Giàu, E-mail: giaupt@danang.gov.vn) trước 1 tuần để Sở GDĐT sẽ có công văn gửi các trường trong cụm mời tham dự buổi sinh hoạt.
+ Đưa nội dung sinh hoạt lên mail chung bộ môn: hoahocdn2018@gmail.com trước 3 ngày khi tiến hành buổi sinh hoạt cụm.
b) Thực hiện sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn tại trường
- Tiếp tục đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong các cơ sở giáo dục trung học dựa trên nghiên cứu bài học
- Nội dung sinh hoạt tổ/nhóm cần tập trung vào các vấn đề chuyên môn như biên soạn lại phân phối chương trình, xây dựng kế hoạch bài dạy theo chủ đề dạy học (Tham khảo Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH)…, chủ đề tích hợp, liên môn; trao đổi việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; phân tích đánh giá tiết dạy, xây dựng ngân hàng đề kiểm tra định kì theo ma trận, đặc tả đã tập huấn, xây dựng đề cương ôn tập chung cả tổ,... Ngay từ đầu năm học, các tổ/nhóm chuyên môn cần ưu tiên đưa chủ đề đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp ôn tập để nâng cao chất lượng môn Hóa học lớp 12 đáp ứng yêu cầu của Kì thi tốt nghiệp THPT vào kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của năm học.
- Triển khai thực hiện Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn của trường trung học qua mạng.
- Tổ chức dạy học minh họa, dự giờ, rút kinh nghiệm. Tiết dạy minh họa là sản phẩm chung của cả tổ/nhóm chuyên môn; vì vậy không tổ chức đánh giá năng lực giáo viên dạy minh họa. Những thành công, hạn chế của giờ dạy minh họa sẽ được học tập, rút kinh nghiệm chung cho giáo viên trong tổ/nhóm chuyên môn.
- Tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn tăng cường kiểm tra, dự giờ theo quy định, đột xuất để nâng cao chất lượng bộ môn.
5. Một số hoạt động chuyên môn khác
a. Kiểm tra cuối học kì
- Sở tiếp tục ra đề kiểm tra cuối học kì I, cuối học kì II chung toàn thành phố môn Hóa 9 và Hóa 12 theo hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận đối với lớp 12 và tự luận đối với lớp 9.
- Môn Hóa học 10, 11 các trường THPT chỉ đạo tổ chức kiểm tra theo đề chung của trường, kết hợp cả 2 hình thức. Môn Hóa học 8 phòng GDĐT các quận, huyện chỉ đạo thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.
b. Thi học sinh giỏi cấp thành phố
- Thực hiện chương trình thi học sinh giỏi ban hành từ năm học 2011-2012 của Sở.
- Giới hạn nội dung:
+ Thi học sinh giỏi Hóa lớp 12: Hết bài Hợp chất của sắt. Hình thức thi: 100% trắc nghiệm khách quan, đề thi gồm có 50 câu. Thời gian: 90 phút.
+ Thi học sinh giỏi Hóa lớp 9: Hết bài axit axetic. Hình thức thi: tự luận, đề thi gồm có 5 câu, mỗi câu có thể có nhiều ý. Thời gian: 150 phút.
c. Lịch thi, kiểm tra
+ Thi chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT (9/2021).
+ Thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố (từ 01/12 đến 04/12/2021).
+ Kiểm tra cuối kì I lớp 9 và lớp 12 từ 14/12 đến 18/12/2021.
+ Các trường tổ chức kiểm tra cuối kì I các lớp 6, 7, 8 THCS và lớp 10, 11 THPT từ ngày 20/12/2021 đến 06/01/2022.
+ Thi HSG quốc gia lớp 12 THPT theo kế hoạch của Bộ GDĐT.
+ Thi học sinh giỏi cấp thành phố lớp 9 và lớp 12 (ngày 24/02/2022).
+ Thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc theo kế hoạch của Bộ GDĐT (3/2022)
+ Kiểm tra cuối kì II lớp 9, 12 từ ngày 25/4 đến 29/4/2022.
+ Các trường tổ chức kiểm tra cuối kì II các lớp 6, 7, 8 THCS và lớp 10, 11 THPT từ ngày 04/5 đến 11/5/2022.
+ Thi tuyển sinh lớp 10 THPT ( theo kế hoạch của Sở GDĐT).
+ Thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch của Bộ GDĐT.
+ Kiểm tra các hoạt động giáo dục tại đơn vị cơ sở tất cả các tháng của năm học.
Trên đây là một số nhiệm vụ trọng tâm của bộ môn Hóa học trong năm học 2020-2021, các phòng GDĐT, các trường, các tổ chuyên môn cần triển khai đến từng GV và có kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả theo đúng chỉ đạo. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc hoặc đề nghị đối với Sở GDĐT, cụm trưởng, các trường phản ánh bằng văn bản qua địa chỉ Email nói trên./.