Địa chỉ: 93 Cao Hồng Lãnh - Quận Ngũ Hành Sơn - Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: (0236) 3861555 - (0236) 3861777
Thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2021-2022 tại Công văn số 2649/SGDĐT-GDTrH ngày 09/9/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở hướng dẫn các đơn vị triển khai dạy học bộ môn Ngoại ngữ cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 như sau:
1. Xây dựng kế hoạch giáo dục môn học
a) Môn Tiếng Anh
Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông, chuẩn kiến thức, kĩ năng môn tiếng Anh từng cấp học của Bộ GDĐT; các trường THCS, THPT cần chủ động, linh hoạt hơn trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh theo khung thời gian 35 tuần thực học (học kỳ I: 18 tuần, học kỳ II: 17 tuần), phù hợp với điều kiện của từng trường. Đảm bảo thời gian kết thúc học kì I, kết thúc năm học thống nhất trong thành phố.
Các tổ, nhóm chuyên môn và từng giáo viên chủ động biên soạn lại phân phối chương trình. Thực hiện việc sắp xếp lại thứ tự các bài, các nội dung trong từng bài; phân bố lại thời lượng tổ chức dạy học các bài, các chương một cách hợp lí; xây dựng các chuyên đề (chủ đề) theo hướng dẫn. Việc biên soạn lại PPCT phải đảm bảo tính logic của mạch kiến thức, đảm bảo tổng thời lượng của môn học trong mỗi học kì, không cắt xén nội dung chương trình, thực hiện đủ các bài kiểm tra.
Kế hoạch dạy học (PPCT) của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên phải được lãnh đạo nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ để thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên có thể thiết kế tiến trình dạy học theo chủ đề mà không nhất thiết phải theo bài/tiết trong sách giáo khoa. Mỗi chủ đề có thể được thực hiện ở nhiều tiết học, mỗi tiết có thể chỉ thực hiện một hoặc một số bước trong tiến trình sư phạm của bài học. Các nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ trên lớp. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần chú trọng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở ngoài lớp học và ở nhà.
b) Môn tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức: thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 2649/SGDĐT-GDTrH ngày 09/9/2021. Các trường cần có biện pháp nâng cao chất lượng dạy học mỗi bộ môn.
2. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh
- Xây dựng kế hoạch dạy học các bài học bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, cách thức thực hiện và sản phẩm cụ thể để giao cho học sinh thực hiện trong lớp học, ngoài lớp học, ở trường, ở nhà, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại di sản văn hóa và cộng đồng.
- Tăng cường giao cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa (SGK) và tài liệu tham khảo để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; dành nhiều thời gian trên lớp để tổ chức cho học sinh báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả tự học của mình.
- Căn cứ yêu cầu về kiến thức, nội dung SGK, tài liệu chuẩn kiến thức, kỹ năng, trên cơ sở các điều kiện thiết bị dạy học hiện có, giáo viên thiết kế bài giảng khoa học, sắp xếp hợp lí hoạt động của giáo viên và học sinh; xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lí, phù hợp với các đối tượng học sinh, tập trung vào trọng tâm kiến thức, sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học bộ môn, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của học sinh.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới PPDH, chú trọng cải tiến phương pháp giảng dạy theo đường hướng giao tiếp, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, rèn luyện kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ để học sinh đạt được những kỹ năng và kiến thức về ngôn ngữ theo yêu cầu của mục tiêu môn học và đáp ứng được yêu cầu của các bài kiểm tra và các kỳ thi trong chương trình.
- Tăng cường việc ứng dụng CNTT vào dạy học, sử dụng các phương tiện nghe nhìn, thực hiện đầy đủ các tiết thực hành, liên hệ thực tế trong giảng dạy phù hợp với nội dung bài học, sử dụng các phần mềm dạy học có nội dung thích hợp, tham gia tích cực phong trào soạn bài, soạn câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra, sưu tầm tài liệu tham khảo để đưa lên “Nguồn học liệu mở” trên Website của Bộ và của Sở GDĐT. Tăng cường sử dụng trang thiết bị dạy học, phòng học ngoại ngữ, tự làm đồ dùng học tập, nâng cao năng lực tự học của học sinh.
3. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh
a) Thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT theo quy định của Bộ GDĐT tại Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011, bổ sung, sửa đổi một số điều tại Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020; đối với lớp 6 thực hiện theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ GDĐT, lưu ý sử dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông.
Tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
b) Thực hiện đánh giá thường xuyên trực tiếp hoặc trực tuyến bằng các hình thức: hỏi - đáp, viết; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
c) Việc kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
- Đối với bài kiểm tra, đánh giá bằng điểm số thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính: đề kiểm tra phải được xây dựng theo ma trận, đặc tả câu hỏi tự luận, trắc nghiệm khách quan hoặc trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận cần biên soạn theo mức độ cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
- Đối với kiểm tra, đánh giá bằng bài thực hành, hoặc dự án học tập: yêu cầu cần đạt của bài thực hành hoặc dự án học tập phải được hướng dẫn cụ thể bằng bảng kiểm các mức độ đạt được phù hợp với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao của các kiến thức, kĩ năng được sử dụng.
Căn cứ vào mức độ cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục, mức độ phát triển năng lực của học sinh, nhà trường xác định tỉ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra, đánh giá đảm bảo sự phù hợp với đối tượng học sinh và tăng dần tỉ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao; có hướng dẫn cụ thể trước khi tổ chức thực hiện.
Trong quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, cần chú ý những yêu cầu quan trọng sau:
- Đánh giá sát, đúng trình độ học sinh với thái độ khách quan, công minh và hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá năng lực của mình. Trong quá trình dạy học, cần kết hợp một cách hợp lý hình thức tự luận với hình thức trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, chuẩn bị tốt cho việc đổi mới các kỳ thi theo chủ trương của Bộ GDĐT. Các tổ bộ môn thống nhất yêu cầu của mỗi bài kiểm tra và kĩ năng, kiến thức cần kiểm tra, tiến đến kiểm tra theo đề chung của toàn trường, toàn khối lớp. Tổ chuyên môn có kế hoạch sử dụng ngân hàng đề kiểm tra của Sở trong kiểm tra, đánh giá một cách hiệu quả. Cấp THPT thực hiện kiểm tra theo hướng dẫn kĩ thuật đề và bảng đặc tả đề kiểm tra định kì đã được Sở GDĐT tập huấn.
- Sở tiếp tục ra đề chung cho khối lớp 9 và 12. Nội dung kiểm tra nằm trong nội dung kiến thức, chủ điểm, chủ đề được đề cập trong SGK, các dạng bài kiểm tra bao gồm cả hình thức trắc nghiệm và tự luận. Hình thức kiểm tra theo hướng dẫn của Sở trước mỗi đợt kiểm tra học kì. Năm học này, toàn thành phố đều triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm đối với các khối lớp 7,8 và 9 THCS nên đề kiểm tra cuối kì theo chương trình 10 năm. Các trường kiểm tra kĩ năng Nghe, Nói theo kế hoạch riêng của mỗi trường.
Riêng đối với lớp 6, sử dụng bộ sách nhà trường đã lựa chọn theo hướng dẫn tại Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT. Việc tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá thực hiện theo các văn bản của Bộ và của Sở GDĐT.
- Cấu trúc bài kiểm tra cuối học kỳ I, II khối lớp 9, 12 không bao gồm phần kiểm tra kỹ năng Nghe hiểu (Listening) và Nói (Speaking). Vì vậy, các tổ chuyên môn các trường THCS, THPT tổ chức kiểm tra kỹ năng Nghe hiểu, Nói trong các bài kiểm tra thường xuyên tại trường. Sở không hướng dẫn cụ thể về cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 nên các tổ bộ môn chủ động ôn tập kiến thức cho học sinh với các dạng bài tập phong phú, đa dạng để đạt kết quả cao trong các đợt thi, kiểm tra.
Đối với kì thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh sẽ được yêu cầu ghi phần bài làm vào ô trả lời tương ứng với từng phần của đề thi (lớp 10 đại trà) hoặc tờ phiếu trả lời (đối với bài thi chuyên). Học sinh không làm bài vào ô dành cho phần trả lời/tờ phiếu trả lời theo yêu cầu của đề thi sẽ không được chấm điểm. Do vậy, các tổ chuyên môn, nhất là giáo viên dạy lớp 9 quán triệt kĩ cho học sinh quy định này, đồng thời hướng dẫn học sinh lớp 9 làm bài vào ô trả lời như bài thi Ngoại ngữ Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 để học sinh làm quen với cách làm bài thi.
- Đối với các khối lớp còn lại: các tổ bộ môn căn cứ vào hướng dẫn kiểm tra, đánh giá của Bộ GDĐT để tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, đảm bảo thực hiện tốt các quy định của Bộ và Sở GDĐT.
d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá; chuẩn bị tốt các điều kiện để từng bước triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi trực tuyến, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
đ) Tổ bộ môn tiếng Anh hướng dẫn giáo viên sử dụng định dạng đề đánh giá năng lực tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông theo hướng dẫn của Bộ GDĐT tại Công văn số 5333/BGDĐT-GDTrH ngày 19/9/2014 và hướng dẫn tại Công văn số 3333/BGDĐT-GDTrH ngày 07/7/2016 về việc sử dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông từ năm học 2015-2016 của Bộ GDĐT.
Giáo viên xây dựng nội dung, độ khó và mức độ yêu cầu năng lực của bài kiểm tra căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng năng lực đầu ra của từng khối lớp theo quy định trong chương trình của cấp học (đính kèm Công văn số 5333/BGDĐT-GDTrH). Việc kiểm tra, đánh giá được tiến hành thông qua các hình thức khác nhau như: định lượng (cho điểm), định tính (nhận xét, xếp loại), kết hợp đánh giá của giáo viên, đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá của học sinh. Các loại hình kiểm tra, đánh giá cần phù hợp với phương pháp dạy và học được áp dụng trong lớp học, bao gồm kiểm tra nói (đối thoại, độc thoại), kiểm tra viết dưới dạng tích hợp các kỹ năng, kiến thức ngôn ngữ và các hình thức đánh giá khác.
-Kiểm tra bằng hỏi-đáp
Kiểm tra bằng hỏi-đáp được dành cho kỹ năng nói. Học sinh được kiểm tra qua các hoạt động trên lớp như trả lời các câu hỏi ngắn, miêu tả tranh, kể lại truyện, thuyết trình, hùng biện, thảo luận, tranh luận, phát biểu, phỏng vấn, đóng vai, và các hoạt động ngôn ngữ phù hợp khác. Cần chú trọng tới định hướng giao tiếp và khả năng thực hiện các yêu cầu đàm thoại. Khuyến khích kiểm tra bằng hỏi-đáp tích hợp với các hoạt động luyện tập trong giờ học của học sinh.
Giáo viên có thể chọn các dạng bài Question and Answer; Picture description; Story-telling/Narrative; Guided Speech; Dialogue; Situation; Interview/Role-play; Presentation; Debate; Dicussion; Simulation và các dạng bài phù hợp khác để đánh giá kỹ năng nói của học sinh.
- Kiểm tra viết
Bài kiểm tra viết bao gồm các kỹ năng nghe, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ.
+ Kỹ năng nghe
Phải sử dụng các thiết bị như cassette, đĩa CD, máy tính hoặc các thiết bị thu, phát âm thanh phù hợp để kiểm tra kỹ năng nghe. Không được sử dụng giáo viên đọc lời thoại/nội dung bài nghe cho học sinh. Phần nghe có tối thiểu 2 phần/bài gồm từ 8 câu hỏi với các dạng khác nhau trở lên. Giáo viên lựa chọn các dạng câu hỏi phù hợp từ những loại hình gợi ý sau: Listen and match; Listen and number; Listen and tick; Listen and complete; Listen and select the correct option; Listen and give short answers và các dạng câu hỏi phù hợp khác để kiểm tra kỹ năng nghe của học sinh.
+ Kỹ năng đọc
Có tối thiểu 2 phần/bài gồm từ 8 câu hỏi với các dạng khác nhau trở lên. Giáo viên lựa chọn dạng câu hỏi phù hợp từ những loại hình gợi ý sau: Read and match; Read and number; Read and tick; Read and complete; Read and select the correct option; Read and rearrange the information; Read and find the right information; Read and summarize và các dạng câu hỏi phù hợp khác để kiểm tra kỹ năng đọc của học sinh.
+ Kỹ năng viết
Có tối thiểu 2 phần nhỏ gồm từ 5 câu hỏi trở lên. Giáo viên lựa chọn dạng câu hỏi phù hợp từ những loại hình gợi ý sau: Complete the sentences with a word or a phrase (pictures can be used); Arrange the words to make complete sentences; Use the provided words or phrases to write complete sentences/Transformation; Sentence completion; Use the provided words or phrases to write a complete paragraph; Use the provided words or phrases to write a short passage; Reordering; Write short passages about relevant and familiar topics; Compostion/Essay writing và các dạng câu hỏi viết phù hợp khác để kiểm tra kỹ năng viết của học sinh.
+ Kiến thức ngôn ngữ
Năng lực ngôn ngữ của học sinh về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, cách sử dụng ngôn ngữ trong ngữ cảnh được đánh giá trong phần này. Có tối thiểu 2 phần nhỏ gồm từ 8 câu hỏi trở lên với các dạng câu hỏi sau đây: Multiple choice questions – MCQs; Matching; Gap filling; Information gaps; Reordering; Word form và các dạng câu hỏi phù hợp khác.
- Kiểm tra thực hành
Trong mỗi học kỳ, ở những trường có điều kiện, giáo viên giao cho học sinh vận dụng kiến thức trong chương trình học để phát hiện vấn đề và đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn về một trong các chủ đề sau: gia đình; sở thích; chăm sóc sức khỏe; bảo vệ môi trường; an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; kỹ năng sống;... Sản phẩm thực hành có thể là 01 bài viết hoặc 01 video clip do học sinh thực hiện bằng tiếng Anh; cũng có thể tổ chức trình bày sản phẩm thực hành theo hình thức "Hùng biện tiếng Anh" hoặc sử dụng các hình thức phối hợp giữa kỹ năng viết và nói như “Hồ sơ học tập”; “Nhật kí học tập”; “Dự án”; và “Bài nghiên cứu” đã được tập huấn để đánh giá kỹ năng ngôn ngữ của học sinh.
4. Việc soạn giảng
- Tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới cách biên soạn giáo án, kế hoạch dạy học. Mỗi giáo viên cần lập kế hoạch bài dạy để chủ động trong dạy học, nhằm đạt được mục tiêu dạy học. Khuyến khích giáo viên soạn và giảng dạy trên lớp với sự hỗ trợ của CNTT.
- Căn cứ tài liệu chuẩn kỹ năng kiến thức và nội dung điều chỉnh giảm tải do Bộ GDĐT ban hành, giáo viên cần linh hoạt, mạnh dạn thiết kế lại các bài tập, hoạt động để phù hợp với tình hình mỗi đơn vị. Giáo án cần thể hiện rõ nội dung thay đổi, điều chỉnh theo hướng giảm tải. Các yêu cầu về việc soạn giáo án được quy định như các năm học trước.
- Giáo viên cần tiếp tục đầu tư soạn giảng theo hướng tích cực hóa việc học tập của học sinh, soạn và hướng dẫn các hoạt động, các bài tập trên lớp, bài tập ở nhà để phát huy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của học sinh. Tăng cường chú trọng việc phối hợp các kỹ năng giao tiếp trong luyện tập trên lớp.
- Kê hoạch bài dạy (giáo án): thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5512/SGDĐT-GDTrH bắt buộc cho lớp 6, khuyến khích cho các lớp còn lại. Việc lưu hồ sơ giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án) thực hiện theo hướng dẫn của Sở GDĐT tại Công văn số 2483/SGDĐT-GDTrH ngày 23/8/2021.
5. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên
- Các phòng GDĐT, các trường THPT, THCS có kế hoạch kiểm tra thường xuyên về việc dạy và học; có biện pháp giúp giáo viên tự học, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và hoàn thành yêu cầu của các mô đun tập huấn. Các tổ chuyên môn và các cá nhân chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, nghiên cứu các chuyên đề phục vụ nâng cao trình độ và chất lượng dạy học. Đảm bảo tham gia đầy đủ, có chất lượng tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn do Sở, Bộ tổ chức trong dịp hè và trong năm học.
- Giáo viên được điều động tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn cần tích cực tham gia để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt các yêu cầu và điều kiện về đội ngũ để triển khai dạy học tiếng Anh theo quy định. Giáo viên chưa đạt chuẩn khung năng lực 6 bậc quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng nâng chuẩn để đáp ứng công việc được giao.
- Các đơn vị trường học, tổ chuyên môn có trách nhiệm tạo điều kiện để các giáo viên được điều động tham gia đầy đủ các khóa bồi dưỡng và khảo sát năng lực ngôn ngữ.
6. Sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn
- Tổ chức sinh hoạt chuyên môn (SHCM) theo hướng dẫn tại mục III, Công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08/10/2014 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng.
- Tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn định kì theo đúng quy định tại Điều lệ trường phổ thông. Nội dung sinh hoạt tổ, nhóm cần tập trung vào thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Ngoài ra, các tổ chuyên môn cần tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh trong giáo viên và học sinh như sinh hoạt câu lạc bộ nói tiếng Anh, thi hùng biện tiếng Anh, Ngày Hội tiếng Nhật, Pháp, …
- Sinh hoạt theo cụm trường:
+ Cấp THPT: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề để nâng cao chất lượng dạy học bộ môn và chất lượng các hoạt động giao tiếp tiếng Anh theo kế hoạch. Năm học 2020-2021, Sở tổ chức sinh hoạt cụm theo kế hoạch:
Cụm 1: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (cụm trưởng), Thanh Khê, Nguyễn Thượng Hiền, Liên Chiểu, Võ Chí Công, Hiển Nhân, FPT (HKII), Sơn Trà, Phạm Phú Thứ (HKI), Hermann Gmeiner, Nguyễn Hiền, Hoàng Hoa Thám, Ông Ích Khiêm, Phạm Phú Thứ, và Quang Trung.
Cụm 2: Trường THPT Phan Châu Trinh (cụm trưởng) (HKI), THPT Nguyễn Trãi, Ngô Quyền, Phan Thành Tài, Cẩm Lệ, Khai Trí, Nguyễn Khuyến (HKII), Nguyễn Văn Thoại, Tôn Thất Tùng, Trần Phú, Ngũ Hành Sơn, Thái Phiên, Skyline, Việt – Nhật, Quốc tế Việt – Sing, Quốc tế Hoa kỳ APU, Nicholas.
Cụm 3: (Môn tiếng Pháp, tiếng Nhật): THPT chuyên Lê Quý Đôn (HKI), THPT Phan Châu Trinh, THPT Hoàng Hoa Thám.
Các trường được phân công tổ chức sinh hoạt cụm cần chủ động lên kế hoạch, tổ chức sinh hoạt chuyên môn (tổ chức tiết dạy, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, ...), báo cáo về Sở GDĐT qua địa chỉ email: trinhpt@danang.gov.vn để Sở GDĐT có văn bản thông báo các đơn vị tham dự. Cụm trưởng có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các trường trong cụm sinh hoạt đúng kế hoạch đề ra.
+ Cấp THCS: Các phòng GDĐT tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường. Khuyến khích các trường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với nội dung và hình thức thích hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy học bộ môn. Các Phòng GDĐT tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên phòng để trao đổi kinh nghiệm dạy học (Phòng GDĐT Liên Chiểu (HKI), Phòng GDĐT Hòa Vang (HKII)).
Ngoài các buổi sinh hoạt cụm chuyên môn, Sở có thể tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề trong năm học, các hội thảo, các hoạt động ngoại khoá..., đề nghị các tổ chuyên môn tích cực tham gia.
7. Bồi dưỡng học sinh giỏi và các kỳ thi trong năm:
Việc bồi dưỡng học sinh giỏi và tổ chức các kì thi trong năm học 2021-2022 được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021-2022 của Bộ GDĐT và Sở GDĐT TP. Đà Nẵng, cụ thể:
- Cấp THPT: tổ chức thi chọn học sinh giỏi lớp 12 các bộ môn tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Nội dung thi chọn học sinh giỏi theo chương trình, sách giáo khoa THPT hiện hành. Nội dung, thời lượng, chương trình thi HSG thực hiện theo công văn của Sở GDĐT về hướng dẫn thi HSG. Thi theo hình thức trắc nghiệm, không có kĩ năng NÓI.
- Cấp THCS: tổ chức thi chọn học sinh giỏi lớp 9 các bộ môn tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Nội dung bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9 chủ yếu là chương trình toàn cấp THCS (chương trình 10 năm), ngoài ra cần chú ý bồi dưỡng thêm các kỹ năng ngôn ngữ và cách làm bài thi như Nghe (đúng -sai, điền khuyết, nhiều lựa chọn, ...), Viết (viết đoạn, viết thư, sử dụng từ gợi ý...), Đọc hiểu (nhiều lựa chọn, trả lời ngắn, điền khuyết, tìm lỗi sai, sắp xếp lại đoạn cho lôgic, ...), Nói (mô tả tranh, trả lời câu hỏi, trình bày đề tài…).
b)Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023,
Thực hiện theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 của Sở GDĐT. Học sinh làm bài vào ô trả lời tương ứng với mỗi phần đề (lớp 10 đại trà) và tờ phiếu trả lời riêng (đối với lớp 10 THPT chuyên Lê Quý Đôn). Học sinh không làm bài vào ô dành cho phần trả lời / tờ phiếu trả lời theo yêu cầu của đề thi sẽ không được chấm điểm.
c) Kì thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia: theo chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi của Bộ GDĐT ban hành.
Trên đây là một số nội dung dạy học bộ môn Ngoại ngữ năm học 2022-2023, Sở yêu cầu Trưởng Phòng GDĐT các quận (huyện), Hiệu trưởng các trường THCS, THPT, trường trực thuộc tổ chức thực hiện hiệu quả./.
--------------------------